Miễn phí tất cả đơn hàng từ 300.000 đ toàn quốc
Giỏ hàng
(0)
Kiến thức trầm hương
Kỳ nam và Trầm hương

Kỳ nam và Trầm hương

28-10-2022 | Lượt xem: 233

Kỳ Nam và Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây Gió. Ở Campuchia, cây Gió có tên là Can Krasna (Can, cannada: Trầm, Krasna: sẫm). Có lẽ từ âm ấy mà có tên khoa học bằng tiếng La tinh.

    Kỳ Nam và Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây Gió. Ở Campuchia, cây Gió có tên là Can Krasna (Can, cannada: Trầm, Krasna: sẫm). Có lẽ từ âm ấy mà có tên khoa học bằng tiếng La tinh.
+ Tên khoa học : Aquilaria Crasna Pierre
+ Họ: Thymeleaceae
+ Bộ: Thyméales
+ Lớp: Song-tử-diệp
+ Ngành: Hiển hoa (bí tử)
Quá trình hình thành của Trầm hương và Kỳ nam
    Cây Gió là một loài đại mộc có thể cao 40-50 mét, vỏ màu xám có nhiều sợi có thể làm giấy được, gỗ mềm màu trắng. Lá không lông có 15-18 cặp gân. Trái là nang dài 4cm.
    Không phải bất kỳ thân cây Gió nào cũng có Trầm hương và Kỳ nam. Chỉ một số cây Gió có bệnh mới chứa Trầm ở phần lõi của thân. ở phần này, nếu quan sát kỹ qua độ phóng đại của kính lúp, ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm; đó là Kỳ nam (Bois d'aloès). Chung quanh Kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó là Tóc (do chữ Camphuchia là Tok); khi đốt cháy Tóc tỏa ra mùi thơm, thường dùng để làm nhang nên gọi là Trầm hương (Bois d'aigle).
    Trầm và Kỳ nam đều ở lõi cây Gió do tích tụ nhiều hay ít tinh dầu, cho nên nếu không sành sỏi dễ bị nhầm lẫn khi mua. Muốn phân biệt hai thứ ấy ta phải xem kỹ tính chất và khí vị của chúng: Gỗ Kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Nó tích chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu.
    Gỗ Trầm hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Khi đốt cháy Trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí.
 
    Một số người thường lấy gỗ cây Sơn già (Exoecaria agallocha, Linné, thuộc họ Euphorbiaceae) để bán giả Trầm hương. Ở cây Sơn già nặng và rất cứng, có màu nâu đỏ, có chấm đen hoặc xám, vị đắng, có mùi thơm dễ chịu, nên một số người Ấn Độ hoặc Trung Quốc vẫn thường đốt để xông hương trong nhà cho thơm. Theo Petelot thì đó là một sự sai lầm vì trong gỗ Agallocha có chứa một chất nhựa có tính độc làm hại đến sức khỏe của con người.
 
    Người ta cho rằng khi bị thương, cây sẽ tích tụ nhựa đến đây để băng bó xem như là khả năng tự đề kháng để chống bệnh nên tạo ra Trầm - Kỳ. Theo nhận xét của những người "đi điệu" lão thành thì dạo này đi rừng dễ gặp Trầm kỳ hơn trước kia, có lẽ trong thời gian chiến tranh những mảnh bom đạn đã ghim vào thân cây Gió nên kích thích tạo ra Trầm - Kỳ. Cũng có thể vì vậy mà sau ngày giải phóng có nhiều người đi rừng gặp Trầm và Kỳ nam.
 
    Phải chăng khi bị thương tích hoặc khi bị nhiễm bệnh ở một vùng nào đó, cây tích tụ nhựa đến để tự băng bó hoặc để tự đề kháng nên đã tạo thành Trầm hương và Kỳ nam.
    Những cây Gió mọc trong rừng rậm trùng trùng điệp điệp xen lẫn với những loại cây điệp loại khác nên rất khó tìm kiếm, mà một khi kiếm được cây Gió cũng chắc gì đã có Trầm và Kỳ nam, thành thử nhiều người "đi điệu" phải luồn rừng từ tháng này sang tháng khác để tìm kiếm. Ngoài lương thực tươi mang đi bỏ đầy "ruột tượng" để mang theo người, ăn cầm chừng cho đỡ đói trong lúc đi rừng dài ngày. Có nhiều khi hết lương thực, lúc đi lạc trong rừng, người "đi điệu" phải ngậm củ Ngải (Galanga cyrcuma), một loại riềng dại, có vị thơm dịu làm cho ruột đỡ cồn cào trong lúc tìm đường về.
 
    Không phải ai "đi điệu" cũng kiếm được Trầm, có người kiếm được có người không, nên giới "ăn trầm" thường tin dị đoan rằng những kẻ lương thiện mới được Thiên Y Ana (hóa thân của cây Trầm, Kỳ nam) cho gặp. Vì vậy trước khi đi rừng tìm kiếm, kẻ "đi điệu" phải xem ngày lành tháng tốt để xuất hành, trước đó phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với đàn bà, trong khi đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, không được nói chuyện cà rỡn, không gây gổ nhau... Đến khi gặp được cây trầm thì người đó phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối gần đó để tắm rửa cho sạch sẽ, rồi lập đàn thờ cúng vái tạ ơn thần Rừng trước khi hạ cây Gió để tìm lõi Trầm kỳ.
Công dụng của Trầm hương và Kỳ nam
    Trầm hương và Kỳ nam của ta rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc. Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d'Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.
    Sở dĩ Trầm và Kỳ nam có giá trị cao là vì có công dụng chữa bệnh rất tốt trong Đông y:
- Trừ sơn lam chướng khí: Người ta thường xông trầm trong nhà để trừ khí độc và thường mang Kỳ nam trong người để ngừa sơn lam chướng khí. ở một vài vùng, nhất là vùng Phú Khánh, người ta thường bọc Kỳ nam trong túi vải thưa để đeo ở cổ xem như "bùa hộ mệnh". Trẻ em dưới 1 tuổi đeo 2 chỉ, 1 đến 5 tuổi đeo 3 chỉ, người lớn đeo 5 chỉ.
- Dùng làm thuốc giải nhiệt và trừ sốt rét: ở Campuchia, theo các bác sĩ Menaut và Phana Douk, người ta thường dùng Kỳ nam, Trầm và ngà voi mài với nước lạnh để uống. Ngày 2-3 lần, mỗi lần uống từ 3 phân tới 1 chỉ.
 
- Chữa bệnh đường tiểu tiện: Người ta thường mang Trầm kỳ ở vùng hội âm để chữa bệnh đường tiểu tiện.
- Theo Đông y, Kỳ nam dùng để trị các chứng độc thủy do phong thổ gây nên, làm tiêu chứng chướng mãn, no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây nên. Mài từ 3 phân tới 1 chỉ, tùy theo tuổi lớn nhỏ hòa với nước lạnh hoặc bỏ vào nước đun sôi mà uống.
- Chống chỉ định:
+ Những người suy nhược và biếng ăn, suy gan... không nên dùng Trầm - Kỳ.
- Tương khắc trầm kỳ có tính kỵ hỏa, thành thử không nên uống chung Trầm - Kỳ với những loại thuốc có tính chất thuộc hành hỏa tính theo âm dương ngũ hành.
+ Trầm kỳ là thuốc truỵ thai, nên đàn bà có thai không nên uống hoặc mang trong mình.

Phân bố địa lý của cây Trầm - Kỳ
    Trầm kỳ thường tìm thấy trong những cây Gió mọc ở những vùng núi hướng về phía có gió biển nên ta thường gặp ở vùng phía Đông Trường Sơn hơn là Tây Trường Sơn.
Ở Đông Dương, Trầm kỳ có nhiều ở Campuchia và Việt Nam.
Riêng ở Việt Nam, ít tìm thấy Trầm kỳ ở phía trên vĩ tuyến 17.
- Ở Bình Trị Thiên thường tìm thấy ở vùng Cam Lộ của Quảng Trị, vùng A Sao, A Lưới, vùng Thanh Sơn. Ồ ồ và vùng đèo Hải vân thuộc Thừa Thiên.
- Ở Bình Định có từ vùng núi Quy Nhơn đi vào.
- Ở Khánh Hoà. Phú Yên có rất nhiều tại Vạn Giã, Tân Định, An Thành, Bình Khang, Duyên Khánh...
- Ở Bình Thuận có ở vùng núi giáp ranh với Lâm Đồng.
- Ở Lâm Đồng ta có thể tìm thấy Trầm kỳ ở các núi giáp ranh với Bình Thuận.
- Ở các hải đảo thì gặp nhiều Trầm - Kỳ tại Phú Quốc.
    Năm 1973, một số sinh viên theo học chứng chỉ Thực vật 2 thuộc ĐH Đà Lạt, theo đường Tàn In vào Tà Nhiên đến Sa Mai, Thác Nghiêng...tìm đến được một khu rừng có nhiều cây Gió. Ở đó họ được một cụ già "đi điệu" người Chàm dẫn đi xem rừng và được cụ cho xem những mẫu Kỳ nam đã thu được ở vùng này, vùng núi Di Linh, Phan Thiết. Trầm ở đây tốt chẳng khác gì ở Quảng Trị, Khánh Hoà, Phú Yên.
    Như vậy Lâm Đồng ngoài những rừng thông bát ngát có trữ lượng lớn để cung cấp gỗ thông, bột giấy và tùng hương, còn có triển vọng khai thác được Trầm kỳ là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế.
Muốn được sản lượng lớn, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch ngăn cản không để cho nhân dân hạ cây Gió một cách bừa bãi, đồng thời trồng thêm nhiều cây Gió và cho nhiễm khuẩn để tạo thành Trầm và Kỳ nam do ta chủ động để khỏi đi tìm kiếm vẩn vơ trong rừng rậm như những người "đi điệu" trước đây.

 

messenger Nhắn tin Fecabook
zalo Nhắn tin Zalo
hotline_icon Gọi điện thoại